Lý thuyết cây nghề nghiệp
Mô hình Lý thuyết cây nghề nghiệp thuộc nhóm Lý thuyết đặc tính cá nhân và đặc điểm nghề được lập ra để giải thích vai trò quan trọng của mối tương quan chặt chẽ giữa sở thích, khả năng cá tính và giá trị nghề nghiệp của một người với khả năng tuyển dụng đối với họ sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo.
Sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp là những yếu tố cơ bản, có ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự thành đạt trong nghề nghiệp của mỗi người. Vì vậy, nó được coi là “gốc rễ” của “cây nghề nghiệp” và buộc mỗi người phải có năng lực nhận thức bản thân để hiểu rõ về nó trước khi chọn nghề. Nói cách khác, khi chọn bất cứ một ngành, nghề nào, mỗi người đều phải dựa vào sở thích nghề nghiệp, khả năng thực có, cá tính và giá trị nghề nghiệp của bản thân mình, tức là dựa vào “rễ” của “cây nghề nghiệp”. Nếu một người (nam hay nữ) quyết tâm theo học ngành, nghề phù hợp với “rễ” thì sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sẽ có nền tảng vững chắc để thu được những “quả ngọt” trong nghề nghiệp, như cơ hội tìm kiếm việc làm cao; dễ dàng được tuyển dụng vào vị trí thích hợp; tìm được môi trường làm việc tốt; lương cao; được nhiều người tôn trọng…
Ý nghĩa và áp dụng: Thành đạt trong nghề nghiệp là ước vọng chính đáng của mỗi người. Để đạt được ước vọng, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải chọn được hướng học, chọn nghề phù hợp với sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp của bản thân. Do vậy, việc tư vấn hướng nghiệp cá nhân dựa vào mô hình Lý thuyết cây nghề nghiệp là rất quan trọng.
Trong thực tế, phần lớn sinh viên khi được hỏi: “Vì sao em theo học ngành này hay thích nghề này?” thì câu trả lời thường là: “Tại vì công việc này hiện đang được xem là ngành nóng trong thị trường”, hay “Tại vì cơ hội việc làm của ngành này cao”, hoặc “Công việc của ngành này được trả lương tương đối cao so với các việc khác”. Những câu trả lời đó đang nói đến “quả” của cây nghề nghiệp.
Nhưng, những kết quả ấy chỉ đến khi một người lao động làm công việc phù hợp với sở thích và khả năng của họ, hay còn gọi là “gốc rễ” của cây nghề nghiệp. Một công việc có thể được xem là rất thịnh hành không có nghĩa là ai học nó ra cũng có việc làm tốt. Hầu hết các công ty, doanh nghiệp hoặc cơ quan tuyển dụng chỉ quan tâm tuyển những người lao động có đam mê, có khả năng làm việc tốt ở vị trí tuyển dụng chứ không coi việc họ đã tốt nghiệp ở ngành nghề phù hợp với vị trí yêu cầu là yếu tố quyết định. Học và tốt nghiệp một ngành không phải là yếu tố “nặng kí” để chứng minh rằng người đó có khả năng làm tốt các công việc có liên quan đến ngành nghề đã học. Có thể sau khi phỏng vấn và thử việc, người lao động sẽ nhanh chóng bị đào thải nếu không chứng minh được rằng công việc ấy phù hợp với sở thích và khả năng của mình.
Hiểu được lý thuyết này, sinh viên có thể nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của việc chọn nghề có cơ sở khoa học và biết cách chọn ngành nghề dựa trên yếu tố “gốc rễ” (sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp), không chọn ngành, nghề tương lai dựa vào các yếu tố “quả” (lương cao, công việc dễ kiếm, chức vụ …) của cây nghề nghiệp.
Khám phá bản thân qua cây nghề nghiệp
Cách duy nhất để giải quyết những rắc rối trên là hiểu rõ bản thân, hiểu về thị trường việc làm và làm sao để dung hoà giữa bản thân và thị trường nhằm tìm kiếm một công việc và nghề nghiệp đáng mơ ước.
Đây là phương pháp cây nghề nghiệp dựa trên việc tự nhận thức bản thân gồm 4 yếu tố chính mà mỗi người cần biết là: sở thích, khả năng, cá tính, giá trị. Bắt đầu từ phần quan trọng nhất: rễ cây. Sở dĩ cần làm rõ vì đây là phần nuôi dưỡng con đường sự nghiệp lâu dài, nó đại diện cho hoài bão, những khát khao và thôi thúc một người tìm kiếm công việc phù hợp và xứng đáng.
Sở thích: là những điều bạn thích làm, nó có thể xuất phát từ những mong ước thời thơ ấu. Rằng bạn muốn trở thành A,B,C vì đơn giản là bạn hứng thú với công việc đó. Nếu một người có thể làm công việc phù hợp với sở thích của họ thì họ sẽ làm việc rất tốt và có động lực để tiến nhanh hơn trên con đường sự nghiệp của mình.
Khả năng: là những gì bạn giỏi hơn người khác khi thực hiện bất kì điều gì. Ví dụ: Có thể bạn rất nhạy bén trong những con số và tính toán nhanh hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Hoặc bạn có khả năng cảm nhận những cảm xúc của người đối diện rất nhanh chóng. Hay bạn chơi thể thao rất giỏi và là át chủ bài không thể thiếu trong một đội nhóm. Dành thời gian để nhớ lại mình thường được khen ngợi và ngưỡng mộ ở những điểm nào mà nó thuộc về thiên bẩm, không mất nhiều công sức để rèn luyện. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đầu trong vạch xuất phát, khả năng phần nhiều sẽ do sự cố gắng và trau dồi bản thân từng ngày của bạn. Bạn không giỏi ở kĩ năng nào? Đâu là nhiệm vụ khiến bạn sợ nhấ? Chinh phục những điều bạn làm chưa tốt và hạn chế về khả năng sẽ khiến bạn trở nên giỏi hơn.
Cá tính: bị ảnh hưởng bởi yếu tố gia đình, xã hội, giáo dục và môi trường sống. Hiểu được cá tính mình như thế nào sẽ giúp mỗi người lựa chọn công việc và môi trường phù hợp để phát triển bản thân, nhằm đạt được sự thành công trong nghề nghiệp. Tính chất nghề nghiệp và văn hóa công ty đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn con đường sự nghiệp phù hợp cá tính. Nếu bạn là cá nhân ưu thử thách, thích chinh phục và mong muốn kiếm càng nhiều tiền càng tốt thì bạn không thể cảm thấy hạnh phúc với một công việc an nhàn, mang tính chất lặp lại qua ngày.
Gía trị sống: nói đơn giản được hình thành từ những niềm tin, mang yếu tố cá nhân và thể hiện quan điểm sống. Ví dụ: Một người tin vào sự tử tế và muốn giúp đỡ người khác thì đó là giá trị sống của họ. Qua thời gian, người đó sống và kiểm chứng nó bằng cách xem những kết quả nó đem lại có khiến ho thấy thoải mái hay hạnh phúc không. Nếu không, tức là nó đi ngược với giá trị của họ và có thể điều chỉnh, giá trị sống của một người tùy thuộc vào từng giai đoạn của cuộc đời họ. Sự phù hợp giữa giá trị và việc làm là yếu tố quyết định một người chuyển đi hay ở lại nơi làm việc của họ.
Dành thời gian suy ngẫm về các yếu tố, hỏi người thân và bạn bè xung quanh để giúp mình đánh giá khách quan hoặc tham khảo các công cụ trắc nghiệm trên internet. Tuy nhiên, bạn nên xem đó là công cụ để hỗ trợ hơn là thay thế hoàn toàn cho việc tìm hiểu bản thân. Vì có thể những bài trắc nghiệm được xây dựng trên nghiên cứu của các nước phát triển nên không nhất thiết phù hợp tại nước ta.
Một ngành nghề hot?, một mức lương cao?, một công việc đem lại danh tiếng trong xã hội?… là những hào nhoáng bên ngoài mà người trẻ hay mắc phải khi tìm kiếm một công việc cho mình. Đây quả là chiếc áo choàng lộng lẫy mà ai cũng thèm muốn. Nhưng nếu ngay từ ban đầu chiếc áo đã không vừa vặn thì khó để bạn có cuộc sống an yên và hạnh phúc trên con đường phát triển sự nghiệp của bản thân. Thế nên, nguyên tắc là hãy phản tỉnh lại mình để tìm kiếm một công việc đáng mơ ước.
Những câu hỏi gợi ý khám phá bản thân
Để giúp bạn khám phá thêm về sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp của bản thân, tuyensinhhot.com đem đến cho bạn những câu hỏi chiêm nghiệm bên dưới. Hy vọng những câu hỏi này có thể gợi mở cho bạn những góc nhìn thú vị về bản thân – vốn đã tiềm ẩn rất nhiều giá trị của bạn.
Sở thích
1. Khi còn nhỏ bạn thích làm gì?
2. Những sở thích nào không còn nữa khi bạn lớn lên? Lúc nào thì mất đi? Vì sao lại mất đi?
3. Trong thời gian rảnh rổi bạn thích làm gì nhất?
4. Những khi căng thẳng hay mệt mỏi bạn thích làm gì?
5. Bạn có nhớ những khoản khắc nào, lúc làm việc gì thì bạn thấy rất hạnh phúc và quên mất thời gian trôi đi không?
Khả năng
1. Bạn nghĩ bạn có khả năng ở những lĩnh vực nào?
2. bạn thấy tự tin nhất khi tham gia những hoạt động nào?
3. Bạn bè và người thân thường hay khen bạn điều gì?
4. Khi đi học, bạn khá và giỏi những môn nào?
Cá tính
1. Bạn thích đám đông hay thích ở một mình nhiều hơn?
2. Bạn thường nhìn sự việc từ cái nhìn tổng quan hay để ý chi tiết hơn?
3. Khi bạn ra quyết định, bạn thường dùng cảm xúc hay lý trí?
4. Bạn nghĩ mình là người ngăn nắp và đúng giờ không?
5. Bạn bè, người thân có bao giờ than phiền về sự bừa bộn và hay quên của bạn không?
Giá trị nghề nghiệp
1. Đối với bạn điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống?
2. Nghĩ về 3 người mà bạn kính trọng nhất, ở họ có những phẩm chất gì khiến bạn tôn trọng họ?
3. Theo bạn, một công việc lý tưởng là như thế nào?
4. Theo bạn, thế nào là một cuộc sống hạnh phúc?